Khi bị cúm, các triệu chứng như ho, sốt ở thai phụ có thể nặng hơn người bình thường và bệnh có thể tiến triển nặng gây viêm phổi, thậm chí suy hô hấp khiến bà mẹ phải nhập viện điều trị.
Đồng thời, các nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định virus cúm có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh như sứt môi, dị tật tim bẩm sinh, đục thuỷ tinh thể, sinh non hoặc thai chết lưu.
Do đó, khi có các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, bà mẹ mang thai nên đi khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh. Nếu xác định mắc cúm, thai phụ sẽ được bác sĩ kê đơn sử dụng thuốc kháng virus.
“Thuốc kháng virus cúm sẽ làm giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng và đặc biệt làm giảm nguy cơ lây lan virus cho những người khác trong gia đình khi tiếp xúc gần. Thuốc kháng virus cúm này hiện nay được các bác sĩ sử dụng khá rộng rãi và đã được khuyến cáo dùng cho phụ nữ cho phụ nữ mang thai. Vì vậy, các bà mẹ có thể yên tâm sử dụng thuốc.” - BS Nguyễn Quốc Thái giải thích.
BS Nguyễn Quốc Thái lưu ý, khi mắc cúm, người mẹ tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, các thuốc nhỏ mũi gây co mạch, thuốc ho có thành phần codein.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ mắc cúm, phụ nữ mang thai cần hết sức chú ý bảo vệ sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, đặc biệt là chủ động tiêm vaccine phòng cúm.
“Tốt nhất, phụ nữ nên tiêm vaccine phòng cúm ít nhất một tháng trước khi mang thai. Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị kịp thì người mẹ vẫn có thể tiêm phòng ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Hiện nay, vaccine phòng bệnh cúm là vaccine bất hoạt, được sản xuất theo công nghệ tiên tiến, rất an toàn đối với cả người mẹ cũng như là thai nhi nên các bà mẹ yên tâm khi sử dụng.” – BS Nguyễn Quốc Thái đưa ra lời khuyên.