Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Thuý Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết các ca bệnh thuỷ đậu sẽ tập trung vào những tháng đầu năm. Theo thống kê trong năm 2023, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận hơn 500 ca đến khám, trong đó lại có đến 10% cần nhập viện.
Trong những ca nhập viện, nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng như: viêm phổi phải thở máy, viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết, thậm chí nguy kịch.
Bệnh thuỷ đậu hay trái rạ, do virus varicella gây ra. Bệnh này rất dễ lây từ người sang người, thông qua virus từ dịch tiết hoặc bóng nước bị vỡ. Do đó, thủy đậu dễ lây lan ở nơi đông người, những người cùng gia đình, cơ quan, trường học...
Người bị bệnh thủy đậu có những triệu chứng của nhiễm siêu vi như: sốt, đau họng, mệt mỏi, ăn uống kém. Sau đó, cơ thể sẽ xuất hiện những bóng nước trưng ở mặt, lan ra khắp nơi, gọi là nốt đậu.
Theo bác sĩ Hoa, đa số bệnh thuỷ đậu là lành tính, bệnh tự giới hạn 1-2 tuần, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách.
Tuy nhiên, một số trường hợp có miễn dịch kém hoặc điều trị không đúng cách, bệnh sẽ diễn tiến nặng như viêm phổi, nhiễm trùng máu, đe doạ tính mạng.
Những bệnh nhân nghi ngờ bị thuỷ đậu, có dấu hiệu bệnh nặng như: ho liên tục, đau ngực, thở khó khăn, có đờm xanh, sốt lạnh run, da bị sưng đỏ, lừ đừ, lơ mơ, nói sản... cần đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.
"Người có cơ địa miễn dịch kém như trẻ em, phụ nữ có thai, bệnh nhân đang hóa - xạ trị, bệnh nhân HIV, tiểu đường... bệnh dễ diễn tiến nặng nếu mắc thuỷ đậu", bác sĩ Hoa nói.
Bác sĩ Hoa khuyến cáo người dân có dấu hiệu nghi ngờ hoặc được chẩn đoán bị thuỷ đậu không nên tắm nước rạ. Trong rạ có đất, sình lầy mang vi khuẩn, khi tắm, các loại vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào vết thương, gây nhiễm trùng máu.
Bệnh nhân thuỷ đậu phải tắm bằng nước sạch và hạn chế kỳ cọ để tránh vỡ các nốt đậu, giảm biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu.