Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các bệnh viện, số ca mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: Viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết… đang “tăng nhiệt”. Do đó, người dân cần chủ động phòng bệnh, không để bệnh lây lan thành dịch.
Cảnh giác những di chứng nguy hiểm
Mới đây, vụ việc 4 người trong một gia đình ở tỉnh Bắc Kạn mắc viêm màng não do não mô cầu, trong đó 2 người đã tử vong khiến dư luận lo lắng. Trước đó, Hà Nội cũng ghi nhận ca nhiễm viêm não mô cầu đầu tiên trong năm nay là nam bệnh nhân 22 tuổi ở thị xã Sơn Tây.
Theo các chuyên gia y tế, viêm màng não do não mô cầu là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu ở nước ta. Đây cũng là bệnh dễ mắc phải vào mùa hè, có thể cướp đi mạng sống chỉ trong 24 giờ đồng hồ kể từ khi khởi phát triệu chứng. Thậm chí, cứ 2 trong số 10 người mắc bệnh sẽ gặp các di chứng, như: Liệt, điếc, thiểu năng trí tuệ…
Ngoài viêm não mô cầu, mùa hè còn là mùa của viêm não Nhật Bản. Ngay đầu tháng 6-2024, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm là bé trai 12 tuổi (ở huyện Phúc Thọ). Bệnh nhi khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt cao, đau đầu. Một ngày sau đó, bệnh nhi xuất hiện thêm biểu hiện bị cứng gáy, đi lại loạng choạng và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tại Bệnh viện Nhi trung ương ghi nhận hơn 50 ca viêm não, 10 ca viêm não Nhật Bản và hàng trăm ca viêm màng não do vi rút, vi khuẩn. Bác sĩ Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện bày tỏ lo ngại, với các bệnh viêm não, điển hình là viêm não Nhật Bản, hầu hết trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, sốt cao liên tục, co giật. Thậm chí, nhiều trường hợp rơi vào trạng thái hôn mê, phải điều trị tăng áp nội sọ...
Tương tự, tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ, bác sĩ Phùng Thị Phương Ngọc, Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, chỉ riêng tuần đầu của tháng 6-2024, tỷ lệ bệnh nhi nhập viện vì mắc viêm màng não đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, thỉnh thoảng có mưa xen kẽ tạo thuận lợi cho các vi rút, vi khuẩn phát triển mạnh, tấn công và gây hại cho sức khỏe con người, nhất là trẻ nhỏ.
Thời tiết nắng nóng kèm theo mưa cũng tạo thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh sốt xuất huyết. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, vào cuối tháng 5-2024, số ca mắc sốt xuất huyết vào khoảng 20 ca/tuần thì đến 2 tuần đầu tháng 6-2024 đã tăng lên 34-38 ca/tuần. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 783 ca sốt xuất huyết (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023).
Chung tay đẩy lùi dịch bệnh
Đánh giá về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương cho biết, tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết thường có số mắc tăng cao từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm và hiện không còn tuân theo chu kỳ 3-4 năm lại bùng phát. Minh chứng là năm 2023 tuy không phải năm chu kỳ của dịch nhưng toàn thành phố có hơn 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao nhất từ trước tới nay. Do đó, năm nay, theo quan sát các điều kiện khí hậu, thời tiết mưa nắng thất thường, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ khó có thể giảm hơn so với năm 2023.
Trước thực tế đó, CDC Hà Nội đã đề nghị các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động vệ sinh môi trường, tăng cường giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực ổ dịch, khu vực nguy cơ cao... Tháng 5-2024, lần đầu tiên vắc xin phòng sốt xuất huyết được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Để đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết, CDC Hà Nội cũng sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tiếp nhận và triển khai dự án tiêm chủng vắc xin phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân.
Còn với bệnh viêm màng não cũng rất nguy hiểm, do có thể lây qua đường hô hấp và các triệu chứng lâm sàng ban đầu rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Chẳng hạn, trẻ thường khởi phát bệnh với các triệu chứng, như: Sốt, nôn ói, đau đầu… khiến phụ huynh chủ quan. Khi đưa tới bệnh viện, bệnh nhi đã rơi vào tình trạng nặng nề.
Do đó, các chuyên gia y tế lưu ý, việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị bệnh. Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng, như: Sốt, đau đầu, mệt mỏi, nôn trớ, cứng gáy, ù tai, sợ ánh sáng…, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Ngoài ra, trước đây, khi chưa triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B, tỷ lệ trẻ mắc bệnh này chiếm đến 50% các ca viêm não. Hiện, nhờ có tiêm chủng mà tỷ lệ này giảm còn khoảng 5-15%.
Để bảo vệ trẻ em trước bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các gia đình cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và tiêm bù mũi nếu đã hoãn tiêm.
Tag: tấn công sức khỏe con người, vi khuẩn truyền bệnh, vi rút, muỗi, mưa xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi, nắng nóng gay gắt, bước