Việt Nam là một trong 10 quốc gia có số người nhiễm viêm gan B và C cao nhất trên thế giới với khoảng 6,5 triệu người nhiễm viêm gan B và 900.000 người nhiễm viêm gan C. Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng 80.000 trường hợp xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan và khoảng 40.000 trường hợp tử vong hàng năm.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết những thông tin này tại Hội thảo quốc tế "Tăng cường sàng lọc, chẩn đoán và điều trị viêm gan B,C tại tuyến y tế cơ sở" diễn ra sáng nay - 13/11 tại Hà Nội.
Bệnh viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do các biến chứng của viêm gan virus. Trong đó virus viêm gan B và C lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV) thường gây bệnh mạn tính và có các biến chứng xơ gan, ung thư gan gây tử vong cao.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 254 triệu người đang sống chung với viêm gan B và đối với viêm gan C là 50 triệu người trên toàn thế giới; mỗi ngày chúng ta phải chứng kiến 6000 người nhiễm mới và 3.500 người tử vong, con số đáng báo động này vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Bệnh viêm gan virus B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vaccine sớm và đúng quy định. Với viêm gan virus C, hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh nhưng với các phác đồ điều trị hiện có, bệnh viêm gan C có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế xây dựng, triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống viêm gan virus tại Việt Nam; giảm lây truyền virus viêm gan, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do viêm gan virus; tiến tới loại trừ để viêm gan virus không còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.
Theo đó, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành các Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan virus giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025; các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị virus viêm gan B, C; triển khai giám sát trọng điểm viêm gan cấp, mạn và ung thư gan; giám sát huyết thanh học virus viêm gan; đánh giá thực trạng hoạt động phòng, chống viêm gan; ước tính gánh nặng bệnh tật do virus viêm gan B, C… Bộ Y tế cũng triển khai hợp tác đa ngành với các tổ chức quốc tế để thử nghiệm các mô hình phòng, chống viêm gan virus tại một số địa phương.
Nhờ đó, công tác phòng, chống viêm gan virus nói chung và viêm gan B, C đã đạt được những kết quả tích cực về dự phòng lây nhiễm, tiếp cận chẩn đoán, điều trị, truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và tăng cường sự tham gia của chính quyền địa phương, các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng thẳng thắn cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống viêm gan B,C tại Việt Nam vẫn còn những thách thức, hạn chế nhất định, cần tập trung giải quyết triệt để trong thời gian tới như: Sự quan tâm, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương chưa tương xứng với gánh nặng bệnh tật; hạn chế về nguồn lực triển khai (nhân lực, kinh phí…); các vấn đề về chuyên môn, kỹ thuật (thông tin, dữ liệu; tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine viêm gan B; năng lực xét nghiệm chẩn đoán, sàng lọc); kết nối điều trị sau sàng lọc; tiếp cận điều trị; công tác truyền thông chưa bảo đảm yêu cầu…
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, Việt Nam đã cam kết với các mục tiêu y tế toàn cầu, như bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và loại trừ viêm gan vào năm 2030. "Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này đòi hỏi phải có sự hợp tác đa ngành"- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Dự án "Tăng cường sàng lọc, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị viêm gan tại tuyến y tế cơ sở" (StITCH), được thực hiện bởi Chương trình Hợp tác phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) thuộc Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess (BIDMC) – Trường Y Harvard, phối hợp cùng Sở Y tế Thái Bình và Phú Thọ và quỹ Gilead Sciences.
Dự án tập trung vào việc tăng cường sàng lọc, chẩn đoán và điều trị viêm gan virus tại tuyến y tế cơ sở ở Việt Nam.
Đồng thời hướng tới việc xây dựng, thử nghiệm và mở rộng Mô hình chăm sóc viêm gan tại y tế cơ sở theo các quy định hiện hành của Việt Nam và giúp Việt Nam đạt được mục tiêu loại trừ viêm gan như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
Thông tin tại hội thảo cho thấy tại tỉnh Thái Bình, lần đầu tiên tại bệnh viện tuyến huyện của tỉnh, bệnh viêm gan C được chữa khỏi thông qua BHYT trong một chương trình tại tuyến y tế cơ sở ở Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng để đảm bảo khả năng tiếp cận chăm sóc và điều trị viêm gan cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh tham luận tại hội thảo.
Thái Bình/Ảnh: Trần Minh
Nguồn https://suckhoedoisong.vn/viem-gan-b-va-c-la-nguyen-nhan-khien-40000-nguoi-viet-tu-vong-moi-nam-169241113140332663.htm
Tag: 000 trường hợp tử vong hàng năm, khoảng 40, ung thư biểu mô tế bào gan, 000 trường hợp xơ gan, khoảng 80, nguyên nhân dẫn, đây, 000 người nhiễm viêm gan c, 900, 5 triệu người nhiễm viêm gan b, khoảng 6, thế giới, cao nhất, số người nhiễm viêm gan b, 10 quốc gia