Những việc thương tâm này hoàn toàn có thể được ngăn chặn nếu người dân chú ý hơn.
Ngày 27-11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin về ca tử vong tại địa bàn do bệnh dại. Theo đó, bà V.T.T.D (sinh năm 1972, ngụ tại thành phố Bà Rịa) phát hiện sốt, mệt mỏi từ ngày 20-11.
Đến ngày 23-11, do bị khó thở, bà D được người nhà đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh rồi đưa sang Bệnh viện Chợ Rẫy và sau đó sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh với chẩn đoán mắc bệnh dại.
Sau khi có thêm triệu chứng viêm cơ tim, sức khỏe nguy kịch, người nhà xin phép đưa bệnh nhân về Bà Rịa. Bệnh nhân đã tử vong sáng sớm ngày 25-11 tại nhà. Xét nghiệm PCR của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh xác định, bệnh nhân dương tính với vi rút dại.
Theo điều tra dịch tễ, bà D bị mèo cào vào cẳng chân gây xước da, chảy máu ngày 25-5-2024 nhưng sau đó không tiêm vắc xin phòng bệnh. Con mèo cũng chưa tiêm phòng bệnh dại.
Còn theo CDC tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 1 ca so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, CDC Đồng Nai ghi nhận có 32 ổ dịch dại trên chó tại 6/11 huyện, thành phố và 21/170 xã, phường, tăng 20 ổ dịch so với cùng kỳ 2023 (12 ổ dịch). Các ca tử vong đều do bệnh nhân chủ quan không tiêm phòng dại sau khi bị chó, mèo cắn, cào.
Mới đây nhất là ca tử vong hồi tháng 10-2024. Theo điều tra dịch tễ, đầu tháng 11-2023, ông D (50 tuổi, ngụ ấp 5, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) bị mèo nhà nuôi cắn chảy máu ngón tay (đây là mèo hoang, đến nhà ông D ở). Ông D sau đó chủ quan, không đi tiêm phòng, chỉ rửa vết thương bằng nước lã. Gần 1 năm sau khi bị mèo cắn, ông D phát bệnh dại và tử vong.
Theo các chuyên gia, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, vết cào của động vật mắc bệnh (thường là chó, mèo). Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).
Bác sĩ Hồ Thị Hồng (CDC Đồng Nai) thông tin, hiện bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.
Người dân không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể rửa vết thương bằng nước thông thường.
Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
Cùng với đó, người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
Nguồn https://hanoimoi.vn/van-con-nhung-ca-tu-vong-do-chu-quan-voi-benh-dai-685721.html
Tag: cắn, chó mèo cào, người dân chủ quan, số ca tử vong, đồng nai, tỉnh bà rịa - vũng tàu