Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc uốn ván trong tình trạng nguy kịch. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2023, Hà Nội đã ghi nhận 23 trường hợp mắc uốn ván (tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Theo chuyên gia, uốn ván là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Clostridium Tetani gây ra và có thể lây qua một vết xước hoặc vết thương nhỏ trên da trong cuộc sống hàng ngày hoặc lao động. Tuy nhiên, nhiều người khi bị vết thương nhỏ không chú ý xử lý và không tiêm phòng uốn ván, dẫn đến nhiễm bệnh nặng.
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 3 đến 10 ngày, có trường hợp kéo dài tới 3 tuần. Điều quan trọng là thời gian ủ bệnh ngắn hơn thì nguy cơ tử vong càng cao.
Thể bệnh phổ biến nhất là uốn ván toàn thân, bệnh nhân xuất hiện nhiều triệu chứng như cơ căng cứng, co giật đau đớn trong vòng 7 ngày sau khi vi khuẩn xâm nhập. Các cơ bị ảnh hưởng chủ yếu ở hàm, cổ, vai, lưng, bụng trên, tay và đùi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong cao do suy hô hấp, ngừng tim đột ngột, nhiễm trùng toàn thân, và xuất huyết.
Bệnh uốn ván có thể xuất hiện trên toàn cầu, ở mọi lứa tuổi và quanh năm, đặc biệt phổ biến ở các quốc gia phát triển nông nghiệp với điều kiện vệ sinh kém. Bệnh này không có miễn dịch tự nhiên, vì vậy mọi người chưa được tiêm vaccine phòng uốn ván đều có thể mắc phải bệnh.
Các trường hợp phẫu thuật hoặc nạo phá thai trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh có thể gây nhiễm trùng. Còn uốn ván ở trẻ sơ sinh thường xuất phát từ nhiễm trùng sau khi cắt dây rốn không đảm bảo vô khuẩn. Hiện nay, số trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván đã giảm, nhưng tỷ lệ cứu sống vẫn thấp.
Chủ động tiêm phòng uốn ván, ngăn chặn mối nguy hại khôn lường
ThS.BS. Đặng Thị Kim Hạnh - Trưởng đơn vị tiêm chủng, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI cho biết, trên thực tế, uốn ván là một bệnh nguy hiểm và gây thách thức lớn trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa bằng cách tiêm đủ liều vaccine uốn ván, đặc biệt là việc tiêm vaccine ngừa chủ động trước khi xảy ra vết thương.
Tiêm vaccine phòng uốn ván được khuyến cáo cho tất cả mọi người. Ở đối tượng trẻ em thường được chủng ngừa uốn ván theo chương trình tiêm chủng mở rộng, nhờ đó đã giảm thiểu nguy cơ mắc uốn ván đáng kể.
Trong khi đó, các trường hợp mắc uốn ván do chủ quan đa phần là người lớn tuổi, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao như người nông dân, người chăn nuôi gia súc, công nhân xây dựng…. không tiêm vaccine phòng uốn ván hoặc không tuân theo lịch tiêm lại đầy đủ, khả năng miễn dịch của cơ thể cũng giảm theo thời gian.
Để đạt đủ miễn dịch cần tiêm 3 mũi vaccine, với mũi thứ 2 sau 1 tháng kể từ mũi đầu tiên, và mũi thứ 3 sau 6 tháng kể từ mũi thứ 1 đối với những người chưa từng tiêm phòng uốn ván. Các đối tượng đã được tiêm các mũi cơ bản trước đó, cần tiêm nhắc lại 1 mũi cách mũi cuối cùng tối thiểu 4 tuần. Sau khi có miễn dịch cơ bản, cần tiêm mũi nhắc lại sau mỗi 10 năm để duy trì miễn dịch bền vững.
Việc tiêm vaccine phòng và xử lý vết thương nhiễm vi trùng uốn ván đúng cách không chỉ ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh uốn ván, mà còn hạn chế việc điều trị tích cực và thở máy kéo dài khiến chi phí gia tăng, nhất là đối với những người lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền.
Sức khỏe chủ động là chuyên mục do Báo điện tử Dân trí và Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI phối hợp thực hiện. Các bài viết có sự tham gia cố vấn của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia kinh nghiệm của TCI, nhằm mang đến cho độc giả những kiến thức hữu ích về chăm sóc sức khỏe chủ động.
Theo nguồn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/uon-van-tiem-chung-phong-ngua-la-giai-phap-phong-benh-20231103085201633.htm
Tag: ván, người chưa tiêm phòng, người lớn, đối tượng chủ yếu, vết xước nhỏ, sự chủ quan, thậm chí tử vong thường xuất phát, ván nguy kịch, trường hợp mắc