Thời tiết chuyển mùa nên bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp có chiều hướng gia tăng, trong đó có cúm A và cúm B. Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do viêm phổi cấp. Khi có các triệu chứng sốt, ngạt mũi, hắt hơi, đau đầu, nhức mỏi... mọi người cần biết cách chăm sóc đúng để phòng bệnh.
1. Cúm tấn công hệ hô hấp và mang tính lây nhiễm
Cúm A có tỷ lệ tử vong khoảng 0,1% ở các trường hợp bị bệnh, nhưng lại có tới 95% các trường hợp bị cúm A có thể điều trị tại nhà sau khi có đơn của bác sĩ, bệnh hồi phục sau 7 - 10 ngày, chỉ có 5% cần có sự kiểm soát và theo dõi chặt chẽ trong bệnh viện bởi các nhân viên y tế. Những trường hợp này thường xảy ra ở trẻ em suy giảm sức đề kháng, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… Bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Virus cúm lây nhiễm ở người có thể được phân thành ba nhóm chính: A, B và C. Nhiễm cúm loại A nghiêm trọng sẽ gây ra dịch bệnh và dịch bệnh lan rộng. Các loại cúm A và B là các dạng nhiễm trùng phổ biến hơn, thường xuyên gây ra dịch bệnh theo mùa. Cúm loại C thường chỉ gây nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ.
Các triệu chứng phổ biến của cúm A có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Trong một số trường hợp nhẹ, cúm có thể tự khỏi mà không có triệu chứng đáng kể nhưng các trường hợp nghiêm trọng của cúm A có thể đe dọa đến tính mạng.
2. Biểu hiện của bệnh cúm
Không giống như cảm lạnh thông thường, cúm thường xảy ra khi xuất hiện các triệu chứng đột ngột. Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm cúm bao gồm:
- Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể.
- Ho.
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt hơi.
- Đau họng.
- Đau đầu.
Nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, phải đi khám bác sĩ.
Những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm như người từ 65 tuổi trở lên hoặc có hệ thống miễn dịch yếu, nên đi khám bác sĩ để điều trị ngay lập tức. Trong những trường hợp hiếm gặp, cúm có thể gây tử vong.
3. Nếu không được điều trị, cúm có thể gây ra:
- Viêm tai giữa do cúm.
- Tiêu chảy, đau bụng.
- Buồn nôn, nôn.
- Chóng mặt.
- Đau ngực.
- Viêm phổi, viêm phế quản.
- Biến chứng tim mạch.
Cúm loại A được phân loại theo nhóm và chủng. Cúm A có thể có đột biến gen để tạo ra các chủng mới. Tiêm phòng cúm sẽ không ngăn ngừa nhiễm trùng từ một chủng mới.
Chim hoang dã là vật chủ tự nhiên của virus loại A, còn được gọi là cúm gia cầm. Nhiễm trùng này cũng có thể lây lan sang động vật và con người khác.
4. Chăm sóc đúng khi bị cúm
Khi bị cúm, việc chăm sóc đúng là vô cùng quan trọng.
- Cần theo dõi thân nhiệt, hạ sốt khi cần
Nếu sốt, nhất là ở trẻ nhỏ và người già cần hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38,5 độ C. Nếu trẻ sốt ≥ 38,5 độ C cần nới rộng quần áo cho trẻ. Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. Nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được.
Uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4 - 6h, uống nhắc lại 1 lần nếu có sốt ≥ 38,5 độ C.
- Cần vệ sinh sạch sẽ đường hô hấp
Khi mắc cúm thì việc vệ sinh đường hô hấp cũng rất quan trọng. Ở người lớn việc vệ sinh cần thực hiện nghiêm túc. Với trẻ nhỏ người chăm sóc cần chú ý dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Không nên dùng khăn xô, vì sau mỗi lần lau nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ virus vẫn bám ở trên khăn.
Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt và mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.
Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch, tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Đảm bảo dinh dưỡng
Ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt: Cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ.
5. Phòng bệnh cúm bằng cách nào?
Để tránh lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình, khi bị cúm cần phải cách ly. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, khi ho và hắt hơi phải che miệng và mũi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy.
Mang khẩu trang khi chăm sóc người bị bệnh. Tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh. Tránh đến nơi đông người và không tham gia các hoạt động tập thể, vì rất dễ lây lan virus cúm.
Cần tiêm vaccine phòng cúm. Người bị cúm cần phải được cách ly và người chăm sóc phải đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm.
Đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa.
Ăn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để có sức khỏe phòng bệnh.
Khi mắc cúm nếu có biểu hiện bất thường như: Sốt cao liên tục ≥ 39º C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Co giật hoặc li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, chân tay lạnh, khó thở, thở nhanh... cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Sốt quá 5 ngày cũng cần phải nhập viện. Ở trẻ nhỏ bú mẹ khi trẻ phải gắng sức khi thở, bỏ ăn, bỏ bú, quấy khóc nhiều… cũng cần nhập viện.
Tóm lại: Thời tiết chuyển mùa dễ mắc cúm, ở những đối tượng khỏe mạnh với sức đề kháng tốt, bệnh cúm thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy vậy, ở trẻ em và các trường hợp có yếu tố nguy cơ nhiễm cúm cao như phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh nền... thì rất dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng và hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm là hội chứng Reye (gây phù não và tổn thương gan nhanh chóng dẫn đến tử vong).
Vậy nên các trường hợp bị cúm mùa, nhất là ở trẻ em, cha mẹ không được chủ quan, cần chú ý và theo dõi trẻ.
Tag: biết cách chăm sóc đúng để phòng bệnh, mọi người, nhức mỏi, đau đầu, hắt hơi, ngạt mũi, triệu chứng sốt, viêm phổi cấp, tính mạng, thể gây nguy hiểm, bệnh, cúm b, cúm, chiều hướng gia tăng