Thuốc tăng cường và ức chế miễn dịch
Miễn dịch là sự chống lại của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh. Song miễn dịch quá mức có khi lại gây hại. Khi đáp ứng miễn dịch suy giảm (do già yếu, dinh dưỡng kém, bệnh tật) cần dùng thuốc tăng cường miễn dịch nhưng khi đáp ứng miễn dịch quá mức (do rối loạn) thì cần dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Vaccin chủ động tạo ra miễn dịch
Vaccin phòng vi sinh: Tiêm vào cơ thể kháng nguyên (là vi sinh được giảm hoạt lực hay gen kháng nguyên chiết từ vi sinh), hệ thống miễn dịch sẽ nhận diện, ghi nhớ kháng nguyên và sản xuất ra kháng thể đặc hiệu. Đây là cách chủ động tạo ra miễn dịch.
Vacin chống ung thư: Tổng hợp ra một phân tử, rồi gắn vào bề mặt chất chỉ điểm đặc hiệu của một loại tế bào ung thư nhất định làm cho bề mặt phân tử ấy có hình thái giống với bề mặt tế bào ung thư. Dùng nó như một kháng nguyên nhân tạo để điều chế vaccin. Ví dụ vaccin chống ung thư phổi, vaccin chống ung thư nguyên bào xốp đa hình thái... đều làm tăng miễn dịch bằng cách tạo ra các kháng thể đặc hiệu chống ung thư (làm chậm sự tiến triển, nâng cao chất lượng, kéo dài thời gian sống).
Thuốc tăng cường miễn dịch
Tăng cường miễn dịch bằng cách: hoặc tăng các chức năng hoạt động chung, làm cho cơ thể mạnh lên, từ đó tăng đáp ứng miễn dịch hoặc hoạt hóa các cytokin, interleukin làm cho tế bào miễn dịch tiết ra nhiều kháng thể.
Các thuốc hay dùng: Interferon là cytokin tự nhiên. Interferon điều tiết miễn dịch bằng cách tăng hoạt tính đại thực bào, tăng tính độc hại tế bào đặc thù của tế bào miễn dịch đối với các tế bào đích và chống virut, chống ung thư bằng cách ức chế sự sao chép virut, ngăn chặn sự nhân đôi, chống tăng sinh tế bào. Các interferon sinh tổng hợp giống như interferon tự nhiên, dùng để tăng miễn dịch chống virut (như trong điều trị viêm gan B mạn, viêm gan C mạn); ngăn cản sự phát triển ung thư (như trong điều trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy, bệnh đa u tủy xương...).
Khi đáp ứng miễn dịch quá mức (do rối loạn) thì cần dùng thuốc ức chế miễn dịch... (Ảnh minh hoạ)
Một số vitamin: Có 80 bệnh liên quan đến gốc tự do và 100 loại hóa chất tích tụ trong mỡ làm suy giảm miễn dịch. Một số vitamin: E, C, betacaroten (tiền vitamin A) có tính năng chống gốc tự do nên tăng cường miễn dịch. Vitamin C tan trong nước, khử gốc tự do ngay khi chúng ở dịch ngoài tế bào. Vitamin E, betacaroten tan trong dầu, khử gốc tự do tại màng lipid của tế bào. Mỗi loại còn có cơ chế riêng: betacaroten trực tiếp làm tăng tế bào T của hệ miễn dịch nên tăng sự sản xuất kháng thể. Vitamin C có chức năng tạo miễn dịch, đồng thời tham gia vào nhiều chức năng hoạt động (sinh năng lượng, trung hòa chất độc, tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh, tăng hấp thu canxi, sắt...) làm tăng đáp ứng miễn dịch của cơ thể.
Một số nguyên tố vi lượng có vai trò tăng cường miễn dịch như kẽm, selen...
Thuốc ức chế miễn dịch
Dùng thuốc ức chế miễn dịch để chống thải loại (như các thuốc cyclophosphamid, ciclosporin...), chữa ung thư do thuốc chống sự tăng sinh tế bào (như các thuốc cyclophosphamid, ciclosporin, 6-mercaptopurin, methotrexat...), chữa bệnh tự miễn viêm khớp dạng thấp (như các thuốc metthotrexat, ciclosporin, sulfasalazin, leflunomid...). Thuốc sinh học thế hệ mới như humia, remicade, enbrel, rutixan khóa cytocin TNF, hay keneret khóa interleukin 1, nên ức chế miễn dịch mạnh, đáp ứng tốt với những người bị quen thuốc, không còn đáp ứng với DMAD.
Dùng thuốc như thế nào?
Với thuốc tăng cường miễn dịch: Khi nhiễm khuẩn cần dùng kháng sinh khống chế sự phát triển của vi khuẩn, phối hợp với thuốc tăng cường khả năng miễn dịch để tiêu diệt vi khuẩn. Cần dùng đúng lúc. Ví dụ, chỉ dùng interferon khi virut viêm gan B đang sinh sôi, có dấu hiệu lâm sàng chứ không dùng khi cơ thể đã có đủ miễn dịch tự nhiên, khống chế làm cho virut nằm im, không sinh sôi, không có triệu chứng lâm sàng. Cần phối hợp thuốc (vì chúng hoạt hóa, làm tăng hiệu lực của nhau).
Với thuốc ức chế miễn dịch: Thuốc làm giảm sức chống đỡ của cơ thể, cần thận trọng với các nhiễm khuẩn, không dùng khi nhiễm khuẩn nặng. Dùng liều tương đối cao, dài ngày (trong chống ung thư, thải loại) dễ bị độc hơn dùng liều thấp, từng đợt ngắn (trong viêm khớp dạng thấp). Mỗi biệt dược còn có cơ chế tác dụng, có độc tính riêng biệt nên cần có sự chọn lựa thích hợp. Thuốc sinh học thế hệ mới cho hiệu quả cao nhưng giá thành đắt, chưa nghiên cứu kỹ độc tính, chưa dùng phổ biến ở nước ta.
24H.COM.VN (Theo SK&ĐS)
Tag: dinh dưỡn, đáp ứng miễn dịch suy giảm (do già yếu, lại gây hại, mức, song miễn dịch, tác nhân gây bệnh, cơ thể đối, sự chống lại