Bạn biết gì về vaccin phối hợp DPT-VGB-Hib?
Bài 1: Sự nguy hiểm của Hib và vaccin phòng ngừa
Vi khuẩn Haemophilus Influenza type b (Hib) gây viêm phổi, viêm màng não mủ thường gặp nhất ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi và dễ để lại di chứng về thần kinh vĩnh viễn, thậm chí tử vong. Bệnh có thể phòng tránh bằng tiêm vaccin ngừa Hib nhưng do giá thành và điều kiện từng địa phương nên không phải trẻ nào cũng được tiếp cận với loại vaccin này. Để mọi trẻ có quyền hưởng lợi như nhau về chăm sóc y tế, từ tháng 6/2010, vaccin phối hợp DPT - VGB - Hib phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib sẽ được tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Vi khuẩn Hib nguy hiểm như thế nào?
Vi khuẩn Hib là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh viêm phổi và viêm màng não mủ nghiêm trọng cho trẻ em. Loại vi khuẩn này cũng là nguyên nhân của 1/4 số trẻ mắc viêm phổi nặng và gần 1/2 số trường hợp viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ nhỏ và trẻ dưới 5 tuổi. Vi khuẩn Hib gây bệnh viêm màng não có thể để lại những biến chứng nặng nề cho trẻ như di chứng thần kinh vĩnh viễn, tổn thương não, điếc, rối loạn tâm thần hoặc tử vong.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm màng não rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi nhưng vẫn có những dấu hiệu nhận biết chung. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên với các biểu hiện ban đầu như: sốt cao trên 39oC (cũng có trường hợp không sốt cao), chảy nước mũi, ho... vì thế các bà mẹ rất dễ nhầm lẫn với những triệu chứng cảm cúm thông thường khác, dấu hiệu viêm long đường hô hấp dễ nhầm lẫn với viêm họng, mũi và viêm phổi. Trong một số trường hợp trẻ còn có dấu hiệu tiêu chảy vì thế dễ bỏ qua bệnh cảnh chính là viêm màng não mủ. Ở một số trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tri giác, thị giác như trẻ quấy khóc nhưng ánh mắt nhìn vô cảm, nhiều trẻ bị nôn trớ, bú ít, bỏ bú, li bì... Một số trẻ còn có thể kèm theo tiêu chảy. Nặng hơn, trẻ có thể bị co giật, lơ mơ, hôn mê...
Bệnh do Hib lây truyền như thế nào?
Các bệnh do Hib có thể lây truyền trực tiếp từ trẻ này sang trẻ khác qua các hạt nước bọt khi trẻ bị ho hoặc hắt hơi. Hib cũng có thể lây lan qua đồ chơi dùng chung hoặc các đồ vật mà trẻ thường cho vào miệng. Tất cả trẻ đều có thể bị nhiễm Hib, nhưng nguy cơ này gia tăng ở nhóm trẻ tại nhà trẻ hoặc trường mẫu giáo. Vì thế ngoài các biện pháp tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường sống, các bà mẹ cần tiếp cận với biện pháp phòng bệnh hiệu quả bằng vaccin, đặc biệt viêm màng não mủ do Hib là căn bệnh được phòng ngừa bằng vaccin rất hữu hiệu.
Trẻ dưới 1 tuổi được phòng bệnh do Hib bằng tiêm vaccin phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib vào tháng thứ 2, thứ 3 và thứ 4. Đây là vaccin phối hợp dạng dung dịch gồm có giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt, kháng nguyên virut viêm gan B và kháng nguyên Hib với liều lượng 0,5ml. Loại vaccin này không được để đông băng mà cần được bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ từ 2 - 8oC. Vaccin phối hợp sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ và tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình trẻ. Hơn nữa, vaccin này rất an toàn, có thể tiêm hoặc uống cùng với các loại vaccin khác như vaccin bại liệt.
Theo SK&ĐS
Lịch tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi
Khoảng cách giữa các liều vaccin tối thiểu là 4 tuần.
|
Tag: thần kinh vĩnh, dễ để lại di chứng, 2 tuổi, 6 tháng, trẻ, viêm màng não mủ thường gặp nhất