(Dân trí) - Theo lời kể của người nhà, khi cháu bé đang đi xe đạp chơi với bạn ở ngõ thì bị con chó Pitbull nhà hàng xóm tấn công.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị chó dại tấn công. Nạn nhân là bé H., 4 tuổi, ở huyện Mê Linh, Hà Nội.
Theo lời kể của người nhà, khi H. vừa đi học về, đang đi xe đạp chơi với bạn ở ngõ thì bị con chó Pitbull nhà hàng xóm tấn công.
Cả 2 bé đều bị chó xô ngã xe và lao vào cắn rồi lôi đi. May có bác hàng xóm nhìn thấy và hô hào người dân tìm cách "giải cứu".
Khi đó các cháu máu me be bét ở vùng mặt và chân đã được người dân đưa đi sơ cứu gần nhà. Con chó sau đó đã bị người dân đánh chết và được xét nghiệm, có kết quả khẳng định bị bệnh dại.
Bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp Cứu của cơ sở Kim Chung và được chuyển lên Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống. Ngay sau khi vào viện, bé H. đã được các bác sĩ lọc rửa và khâu vá vết thương.
ThS.BS Hoàng Mạnh Hà, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống cho biết: "Chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân H. trong tình trạng bị chó cắn ở mặt và chân.
Đặc biệt là vùng mặt với nhiều vết cắn. Ngay sau đó bệnh nhân đã được làm vệ sinh, cắt lọc và khâu tạo hình thẩm mỹ với hàng chục mũi khâu ở vùng mặt. Sau phẫu thuật, em bé đã được chuyển xuống Phòng tiêm chủng vaccine của bệnh viện, để tiêm phòng dại và tiêm phòng uốn ván".
Theo các chuyên gia, vết thương do chó cắn được xếp vào nhóm vết thương nhiễm khuẩn. Vì răng của động vật chứa rất nhiều vi khuẩn đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, nên việc xử trí sẽ khó khăn hơn và tiên lượng cũng dè dặt hơn.
Bên cạnh việc phẫu thuật, xử trí vết thương còn cần điều trị dự phòng là tiêm chủng uốn ván, phòng dại.
Theo BS Trần Quang Đại, Phòng tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau khi người dân bị chó cắn nên vệ sinh vết thương theo đúng nguyên tắc đó là rửa bằng xà phòng, không được nặn bóp vết thương và rửa dưới vòi nước sạch vài phút.
Tiếp theo là vệ sinh bằng các chất sát khuẩn như cồn hoặc cồn i-ốt. Tốt nhất người bị chó cắn nên đến cơ sở y tế để được sơ cứu, vệ sinh, sát khuẩn lại và tư vấn tiêm phòng dại. Đặc biệt là tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.
"Về trường hợp của bé H. sau khi bị chó cắn, gia đình đưa con đi cấp cứu và chủ động tiêm phòng dại và huyết thanh bao vây vết thương trước 24 giờ. Về cơ bản là đảm bảo an toàn vì cháu H. đã tiêm đúng và đủ theo phác đồ khuyến cáo", BS Đại phân tích.
Trên thực tế, không ít người bệnh tử vong vì không đi tiêm vaccine sau khi bị động vật cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương.
Kế đến, nhiều người thường nghĩ rằng chó, mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao hoặc có thói quen theo dõi khi bị động vật cắn, nếu có vấn đề gì mới đến cơ sở y tế tiêm phòng.
Đây là các quan niệm không đúng, vì vaccine khi dự phòng trên động vật chỉ làm giảm nguy cơ bị dại, mức độ cảnh báo thấp hơn nhưng không đảm bảo hoàn toàn.
Ngoài ra, việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây, rắc ớt bột lên vết thương theo phương pháp dân gian cũng là những cách làm sai lầm, tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn và nguy hiểm hơn là dẫn đến tử vong.
Theo báo dantri.com.vn